Vấn đề của giáo dục đại học Việt Nam: Chất lượng đào tạo chưa theo kịp đòi hỏi phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chính vì thế nâng cao chất lượng giáo dục bậc đại học là cần thiết.
Mặc dù hơn 90% sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ có việc làm, nhưng sự phù hợp của năng lực các kỹ sư, cử nhân mới ra trường với đòi hỏi ngày càng tăng của công việc trong thực tế còn hạn chế. Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng này là chất lượng các yếu tố đầu vào của giáo dục đại học chậm được cải thiện và phương pháp quản lý chất lượng lạc hậu.
Từ năm 1987 đến 2009, quy mô sinh viên ĐH, CĐ tăng 13 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ sau 23 năm vẫn không đổi chỉ đạt 11%. Chi phí đào tạo một sinh viên một năm ở nước ta từ 6 triệu đến 10 triệu đồng, tương đương 300 đến 500 USD, trong khi ở các nước tiên tiến từ 10.000 đến 15.000 USD, gấp ta 30 lần. Tức là chi phí để họ đào tạo ra một kỹ sư, cử nhân thì ở ta phải đào tạo ra 30 kỹ sư, cử nhân.
Nền giáo dục nước ta ngày một phát triển
Phương pháp quản lý chất lượng giáo dục của chúng ta còn rất bất cập, lạc hậu. Từ năm 1975 đến nay, chúng ta không yêu cầu các trường ĐH, CĐ phải xây dựng và công bố chuẩn năng lực người tốt nghiệp – chuẩn đầu ra: sinh viên ra trường phải có tri thức gì, kỹ năng gì, có năng lực đạo đức và hành vi thế nào, có thể giải quyết được những việc gì và làm việc ở những vị trí nào, có triển vọng phát triển nghề nghiệp ra sao. Không có cơ chế giám sát chất lượng đào tạo và không có chế tài các cơ sở đào tạo chất lượng kém .
Trong năm năm gần đây ngành giáo dục và các trường ĐH, CĐ đã triển khai một số biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo. Năm 2004 Bộ GD-ĐT đã thành lập Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, hướng dẫn các trường tự đánh giá chất lượng đào tạo.
Bộ GD-ĐT đã khuyến khích, hỗ trợ các trường liên kết với các trường đại học nước ngoài đào tạo theo phương pháp tiên tiến, kể cả giảng dạy bằng tiếng Anh theo chương trình đào tạo của các trường đối tác nước ngoài, tăng quy mô đào tạo giảng viên các trường đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Triển khai chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội bằng các hội thảo quốc gia đào tạo nhân lực cho các ngành kinh tế chủ lực như công nghệ thông tin, đóng tàu, tài chính – ngân hàng, du lịch, chế biến nông sản, y tế, qua đó có hơn 600 hợp đồng, thỏa thuận đào tạo đã được ký kết giữa các trường ĐH, CĐ và các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Năm 2009, học phí ĐH đã tăng từ 180.000 đồng/tháng lên 240.000 đồng/tháng. Mặc dù các giải pháp nói trên là đúng đắn, song thực tế chưa tạo được chuyển biến đáng kể trên diện rộng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Nâng cao chất lượng giáo dục là giúp thúc đẩy đất nước phát triển
Giáo dục đại học đã có sự đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước trong 23 năm đổi mới, bảo đảm cơ bản nhân lực trình độ cao cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, giáo dục đại học đang đứng trước đòi hỏi cấp bách của cuộc sống, không thể tiếp tục phát triển quy mô đào tạo mà lại buông lỏng quản lý chất lượng như thời gian qua.
Bảo đảm và nâng cao chất lượng đào tạo là vì lợi ích quốc gia, lợi ích của người học, lợi ích của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và vì lợi ích của các trường ĐH, CĐ. Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm: Các bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, lãnh đạo các trường, giảng viên và sinh viên, người sử dụng lao động và xã hội.
Với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý giáo dục đại học 2010 – 2012, bám sát thực tiễn, vận dụng đồng thời năm loại quy luật, quy tắc chi phối hoạt động của hệ thống giáo dục đại học, chúng tôi tin rằng, quản lý giáo dục đại học sẽ có đổi mới căn bản sau ba năm, tạo tiền đề quan trọng nhất để giáo dục đại học đổi mới cơ bản, toàn diện trong giai đoạn 2010 – 2020.